Xắn tay bước vào thị trường Myanmar
(8/16/2010 1:30:50 PM)
Chính phủ Myanmar đang từng bước thực hiện chính sách thúc đẩy thương mại và đầu tư với nước ngoài, và đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập thị trường này.
Theo các doanh nghiệp, tuy mới nhưng Myanmar được xem là thị trường nhiều tiềm năng và tương đối dễ tính.
Nhiều cơ hội
Xâm nhập thị trường Myanmar cách đây 10 năm, Công ty Điện Quang là một trong những doanh nghiệp Việt Nam ít ỏi tìm được đối tác phân phối và phát triển lâu dài tại đây.
Ông Nguyễn Bắc Sơn, giám đốc kinh doanh Công ty Điện Quang, kể những năm trước đây hàng hóa đưa vào Myanmar phải có giấy phép, chưa kể hàng phải đi vòng qua một nước thứ ba. Với chính sách mở cửa, hàng hóa đi vào thị trường này dễ dàng hơn, các thủ tục cũng được rút ngắn.
Hiện Điện Quang là thương hiệu được ưa chuộng thứ hai về sản phẩm chiếu sáng tại thị trường này. Trung bình mỗi tháng kim ngạch nhập khẩu vào Myanmar đạt khoảng 1,5 triệu USD. Đây cũng là một trong những thương hiệu bị làm giả nhiều nhất, đặc biệt từ Trung Quốc.
Ông Sơn cho biết người tiêu dùng Myanmar có phong cách sinh hoạt khá giống người Việt, nên ngoại trừ bao bì thay đổi ngôn ngữ cho phù hợp thì các tiêu chí về chất lượng, mẫu mã sản phẩm được công ty giữ nguyên.
Hiện ở Myanmar sản xuất chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu của người dân nên nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Anh Cường, phụ trách thị trường xuất nhập khẩu Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm VN (ViFon), cho biết lương thực, thực phẩm tại thị trường Myanmar thiếu trầm trọng. Cách đây hơn bốn năm, ViFon đưa hàng sang tham gia hội chợ tại Myanmar với mục đích thăm dò thị trường, không ngờ ai đến tham quan gian hàng cũng hỏi mua.
Theo bà Thân Thị Thảo - trợ lý tổng lãnh sự Liên bang Myanmar tại TP.HCM, thời gian gần đây có khá nhiều doanh nghiệp tìm đến Lãnh sự quán để được hỗ trợ các thủ tục, xin giấy phép và lập chi nhánh, văn phòng tại Myanmar. "Các đợt khảo sát tại thị trường cho thấy người tiêu dùng Myanmar rất thích hàng Việt. Những mặt hàng như bút bi Thiên Long, hàng may mặc của các cơ sở sản xuất trong nước, nhôm Kim Hằng, dược Hậu Giang... đã đi vào đời sống người dân Myanmar" - bà Thảo nói.
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), những năm qua Việt Nam đã xuất khẩu một số mặt hàng sang Myanmar, song thị phần còn thấp so với lượng xuất khẩu của các nước khác. Nhiều mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam chưa có chỗ đứng như thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế, vỏ xe, đồng hồ đo điện, vật liệu xây dựng, thuốc trừ sâu, mỹ phẩm, phân bón các loại, nông - ngư cụ...
Vạn sự khởi đầu nan
Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng lưu ý doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các thủ tục khi đưa hàng vào Myanmar vì khoảng cách địa lý xa, thanh toán khó khăn, thủ tục pháp lý rườm rà... Thời gian chờ một bộ hồ sơ kinh doanh tại Myanmar ít nhất 4-6 tháng. Để được tham gia kinh doanh xuất - nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp Myanmar cần phải có giấy phép kinh doanh xuất - nhập khẩu hàng hóa do Bộ Thương mại Myanmar cấp, trong khi số doanh nghiệp được cấp phép hằng năm tăng lên rất nhanh.
Theo các doanh nghiệp từng khảo sát thực tế thị trường Myanmar, cạnh tranh về giá được xem là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng. Một số sản phẩm Trung Quốc bằng giá sản phẩm Việt Nam nhưng chất lượng kém hơn nên hàng Việt khá được ưa thích. Trong khi đó hàng Thái Lan được xem là hàng cao cấp. Nhưng đó đôi khi cũng là trở ngại. Đại diện Biti's cho biết: "Thị trường Myanmar vốn quen với các sản phẩm kém chất lượng, giá rẻ của Trung Quốc nên đối tác đề nghị giá phải giảm 30-40% so với hiện nay. Điều này là rất khó vì thuế suất ngành hàng giày dép lên đến 25%".
Quy định về hạn ngạch nhập hàng và việc thiếu ngoại tệ để thanh toán cũng là trở ngại khi làm ăn tại Myanmar. Ở quốc gia này chỉ có ba ngân hàng có khả năng cung ứng dịch vụ thanh toán quốc tế. Phần lớn doanh nghiệp phải mở thư tín dụng tại ngân hàng nước thứ ba là Singapore. Về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Công thương VietinBank cho biết hiện ngân hàng trong nước đã có các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thanh toán khi làm ăn với thị trường Myanmar.
Theo ITPC, các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập thị trường này cần phải kiên trì, chịu khó nghiên cứu, khảo sát thị trường. Tốt nhất là liên doanh để sử dụng đối tác Myanmar trong việc mở rộng quan hệ, xử lý các thủ tục hành chính, nghiên cứu cung - cầu và giá cả thị trường.
Theo báo Tuổi Trẻ